“Hành xác” ngày trở lại
|
Xe khách ùn ùn đổ về bến Mỹ Đình ngay từ đầu giờ chiều. (ảnh: Đạt Lê). |
Theo khảo sát của PV Laodong.com.vn, ngay từ đầu giờ chiều tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm,… lượng xe khách đã đổ về bến khá nhiều. Đặc biệt, từ khoảng 16h cùng ngày xe khách từ khắp các tỉnh thành ùn ùn đổ về bến. Trên đường Phạm Hùng, trước bến xe Mỹ Đình, giao thông lộn xộn do taxi, xe ôm đón trả khách.
Vừa xuống xe chị Trần Thị Hoa (ở Tuyên Quang) nôn thốc, nôn tháo, hồi lâu mới tỉnh lại. Chị Hoa cho biết: “Hãi quá, tôi chưa bao giờ say xe, vậy mà hôm nay không thể chịu nổi. Mặc dù không bị đội vé nhưng xe quá đông, nhà xe cứ vạ đâu bắt khách đấy. Tôi nhường ghế cho bà già nên phải đứng. Ai ngờ, cả chặng đường hàng trăm km mà chỉ có đứng 1 chân”.
|
Tại bến xe Giáp Bát, xe liên tục đổ bến trả khách... (ảnh: Linh Chang). |
Khoảng 17h, có mặt tại bến xe Giáp Bát, ghi nhận của PV cho thấy, xe khách từ các tỉnh: Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh,… lũ lượt đổ bến. Hầu hết các xe này đều trong tình trạng “nêm” khách. Khu vực trả khách gần như không còn chỗ trống, mỗi khi có một xe vừa trả khách xong di chuyển đi là ngay lập tức lại có xe khách khác vào thế chỗ, hành khách lỉnh kỉnh đồ đạc xuống xe.
|
Đội ngũ xe ôm cũng luôn "bao vây" mỗi khi xe về bến (ảnh: Linh Chang). |
Vẻ mặt thất thần sau chặng đường hơn 100km, Vũ Thị Hoài (ở huyện Thạch Thành, Thanh Hoá) chia sẻ: “Nay em buộc phải ra, vì mai em học sáng. Cũng phải đợi mãi mới bắt được xe lên Hà Nội, vì người dân, sinh viên chúng em về quê nghỉ quá đông. Xe có 24 chỗ mà nhà xe ních gần 50 người. Trở lại Thủ đô chẳng khác một cuộc hành xác”.
Cũng theo quan sát, tại bến Giáp Bát, hành khách đổ về đông nghịt, khiến cho xe buýt rơi vào tình trạng quá tải. Khu vực nhà chờ, hàng nghìn người đứng đợi, mỗi khi có một xe tới họ lại chen lấn, xô đẩy nhau lên xe nhưng đến cuối giờ chiều người dân vẫn đổ xô ra chờ xe buýt.
|
Hành khách đổ ra khu vực nhà chờ xe buýt, đông đến cả nghìn người. (ảnh: Đạt Lê). |
|
Xe buýt vào bến chật ních hành khách xuống... |
|
Và khách lên cũng chật cứng... |
Tuyến đường Giải Phóng, Ngọc Hồi lượng phương tiện ùn ùn đổ hướng vào nội đô. Trước cổng bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm và nút giao Giải Phóng – Kim Đồng,… đoàn xe nối đuôi nhau dài đến vài trăm mét. Lực lượng CSGT phải đội mưa phân làn nhưng tình trạng ùn ứ vẫn xảy ra…
Dịch vụ taxi “hốt bạc”
Cũng tại các bến xe, khi đội ngũ xe ôm dù ra sức chèo kéo một cách “nhiệt tình” nhưng hành khách lại tỏ ra… thờ ơ. Trong khi đó, thì taxi lại được dịp “đuổi không hết khách”.
|
Do thời tiết mưa rét, dịch vụ taxi được nhiều khách lựa chọn. (ảnh: Đạt Lê). |
Đứng vẫy taxi trước bến Mỹ Đình, anh Phạm Hưng (ở Vạn Phúc, quận Hà Đông) cho biết: “Gọi taxi mấy hãng đều bảo hết xe. Đúng là ngày Tết, vừa vẫy 2 tài xế tạt vào thì họ mặc cả tiền trước: 180.000 ngàn chở về đến Hà Đông. Biết là đắt nhưng rét mướt thế này có lẽ phải đi vậy”.
Theo Nguyễn Văn Cường, sinh viên Đại học Hà Nội cho hay: Em vừa ở Hà Tĩnh ra Giáp Bát, đợi xe buýt mãi không được, trời lại mưa phùn, rét muớt nên em cùng 3 người bạn rủ nhau đi taxi. Tính ra cũng chỉ đắt hơn xe ôm vài chục nghìn mà lại ấm áp, sạch sẽ.
|
Taxi nối đuôi nhau đón trả khách, "hốt bạc" trong dịp nghỉ Tết này... (ảnh: Đạt Lê). |
Một tài xế taxi cho hay: “Trời lạnh thế này, lại mưa nữa nên chả mấy ai muốn đi xe ôm. Chẳng mấy dịp chúng tôi được kén khách. Chưa trả khách đã có khách gọi, hoặc đi dọc đường cũng thoải mái khách”. Tài xế tên Th (hãng taxi Âu Lạc) cho biết, chỉ trong 3 giờ đồng hồ cũng kiếm ngót nghét 2 triệu đồng…
Đưa con đi chơi phố Hoa, chị Nguyễn Thị Yến (ở Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ: Nghĩ cả năm mới có ngày lễ nên đưa 3 đứa cháu lên Hồ Gươm chơi từ hôm qua. Ai ngờ, chiều nay về trời lại mưa rét nên bắt taxi về. Họ mặc cả phải 550.000 ngàn đồng mới chở. “Bình thường tôi đi cũng chỉ mất hơn 300 nghìn đồng. Sợ cháu nhỏ ốm nên đành bấm bụng mà đi” - chị Yến thở dài.
Đạt Lê – Linh Chang