Người Việt mình ví von. Ngày xưa các cụ ta đã ví ai như cái gì là cấm có sai. Câu nói dân gian xưa với những so sánh “chuẩn không cần chỉnh” ngày nay được con cháu phát huy triệt để, nhất là báo đài. Chỉ cần nói “công trình rùa” là biết ngay những con đường và những cây cầu dang dở, hành hạ người dân, có chỗ hàng chục năm giời...
- Chú nhầm, người Pháp, cụ thể là nhà thơ La Fontaine đã chứng minh rùa chạy nhanh hơn thỏ. Con rùa tây sang ta bị oan.
- Thế theo bác phải đổi lại là: “Bác Bộ trưởng GTVT phải lập đội “đặc nhiệm” để giải cứu các công trình “thỏ” à?
- Trường hợp này phải nói là các công trình... tàu bay.
- Nhưng đã có câu “nhanh như tàu bay”.
- Nhà ga sân bay Đà Nẵng, nhà ga T2 sân bay Nội Bài Hà Nội nhanh hay chậm? Cũng có câu “tàu bay giấy” đấy.
- Không hiểu thế giới họ làm ăn thế nào, còn các công trình giao thông của ta theo mô hình “đôminô” bác ạ. Từ chủ đầu tư đến ban quản lý dự án, rồi nhà thầu, đơn vị thi công, chỉ cần một anh chí phèo đời chót nằm vạ không chịu di dời là đổ cả một tiến độ công trình, tàu bay thành tàu bò, thỏ thành rùa...
- Ta lại có cụm từ “lỗi hệ thống” để nói như bác nhà văn Nam Cao có cụm từ “cả làng Vũ Đại”.
- Bác Nam Cao cũng tiếp thu tinh thần dân gian từ câu “Mắt toét là tại hướng đình / Cả làng cùng toét riêng mình em đâu”. Đó là kiểu trách nhiệm tập thể, cách xử lý duy nhất là... ngồi chờ.
- Chờ gì? Chờ ai?
- Chờ cơ chế, chế tài. Chuyện giao thông ta vừa nói là chủ đầu tư chờ nhà thầu, nhà thầu chờ vốn vay, chờ giải phóng mặt bằng, cứ chờ đợi nhau mãi nhưng đến hẹn không thấy lên.
- “Người sao một hẹn thì lên / Người sao chín hẹn lại quên cả mười”. Có khi lên rồi nhưng mùa mưa bão đường lại sạt lở, chìm trong nước. Nhiều đoàn tàu, chuyến xe phải nằm chờ thông đường, đời cơm hàng chiếu trọ khổ như... thời chiến.
- Cứ phải chờ đến quý sau. “Bao giờ cho đến tháng mười / Thổi nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn”. Bà con ta từ xưa vẫn đợi chờ trong giông bão như thế, đến vụ mùa mới cười được.
- Cứ phải “Đợi anh hoài” như Simonov, thi sĩ Xô Viết.
- Đó là kiểu đợi vô vọng thời chiến. Nhưng vẫn có những tình cờ “Tan giặc bước đường quê / Anh của em lại về”, còn bây giờ chỉ mong đến “thông xe kỹ thuật” là mừng lắm rồi, về đi anh ơi!
Lý Sinh Sự