SEO Directories

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Tại sao bố mẹ cuống cuồng khi thấy con trẻ gào khóc

Bố mẹ cuống cuồng khi thấy con trẻ gào khóc
Các nhà khoa học nhận định, khóc là một cách giao tiếp của con trẻ với cha mẹ. Nhưng có phải, mọi đứa trẻ khóc đều với mong ước để giao tiếp thông thường và cha mẹ nào thấy con khóc là thương xót và chiều chuộng?
Trên chuyến xe buýt, một gia đình bước lên, ông bố nhanh chân xí được một chỗ gần cửa xuống cho vợ và cậu con trai chừng 4 tuổi ngồi, mình thì đứng cạnh. Thằng bé chắc đây là lần đi xe buýt đầu tiên nên tỏ ra rất thích thú. Nó nhảy loi choi trên ghế và đu bám cả vào cửa kính. Bác tài xế quát “Ôm đứa bé xuống, lỡ xe phanh gấp thì sao?”. Bà mẹ lúc bấy giờ mới hoảng, bắt thằng bé ngồi im trong lòng. Thằng nhóc xị mặt, khóc hu hu. Mẹ nó càng dỗ dành, nó càng gào to. Anh phụ xe nghe tiếng khóc, dọa phải nín nếu không anh báo công an. Bố nó đưa cho cái điện thoại màn hình cảm ứng để chơi điện tử. Nó nín phắt, mắt ráo hoảnh.
Bỗng điện thoại đổ chuông, bố nó lấy lại điện thoại để nghe, thằng bé nhất quyết không chịu, một mực kéo co cái điện thoại với bố, miệng vẫn nhấm nhẳng mấy tiếng hức, hức, mà mắt khô roong. Bố nó dỗ, “Ngoan nào, ngoan nào bố nghe xong thì bố cho!”... Thằng nhóc bỏ cái điện thoại, tay vẫn mải mê lau đi lau lại cặp mắt không có giọt nước mắt nào, bà mẹ bên cạnh xuýt xoa con, lau mồ hôi trên trán thằng bé. Những người đứng cạnh nhìn cảnh dạy con của gia đình này mà không khỏi ngao ngán.
Trẻ như một tờ giấy trắng, đừng dạy trẻ lấy nước mắt làm đầu. Ảnh: Thúy Hằng
Trẻ như một tờ giấy trắng, đừng dạy trẻ lấy nước mắt làm đầu. Ảnh: Thúy Hằng
Ngõ X, đường Y, Hà Nội, hỏi đến nhà bà H. có thằng bé 5 tuổi tên Nam là không ai không lạ. Không phải vì độ thông minh xuất chúng hay múa dẻo hát hay, mà vì độ gào to của thằng bé đang độ tuổi lớp lá. 7h sáng, 6h chiều, 12h đêm, thằng nhóc đi học thì không sao, cứ ở nhà thì bất chấp sáng sớm hay đêm khuya, nó sử dụng “võ” gào. Đòi đi chơi, gào. Không muốn đến lớp, gào. Không ăn cơm, gào. Đòi mẹ… phải đi ngủ, gào. Cãi nhau, tranh giành cái ti vi với chị, gào... Nói đến gào, tức là thằng bé không chỉ dừng lại mức khóc.
Bên cạnh nước mắt thường thấy của mọi đứa trẻ con, thằng bé “vặn volume” to hết cỡ để tiếng khóc lan xa cả xóm. Nghe mà không hiểu sự việc, người ta tưởng thằng bé ở cùng dì ghẻ bị hắt hủi. Sau mỗi tiếng khóc của thằng bé, tuyệt nhiên không bao giờ nghe tiếng bố nó quát nạt hay giận dữ, hai chị nó đã lớn (người 23, người 17 tuổi) nên thỉnh thoảng lúc mẹ không có nhà mới dám… phát cho một cái vào mông, còn đâu chỉ thấy mẹ nó dỗ dành ngon ngọt. Bà mẹ không ít lần xuống nước “Mẹ xin lỗi”, “Nào, ăn cơm/ đi học/ đi ngủ/… con nhé!”….
Những câu chuyện trên có lẽ không còn xa lạ trong cuộc sống này. Cuộc sống đầy đủ, giàu có, mỗi nhà chỉ có 1- 2 đứa con, bố mẹ nào cũng sợ con mình bị đối xử… bất công nên chiều chuộng hết sức. Nghe tiếng con khóc một cái, bất kể lý do là xót xa, dỗ dành, cưng chiều, các ông bố, bà mẹ luôn tìm đủ mọi cách để… bù đắp cho con.
Nhiều gia đình hiện nay khá giả, công việc nhàn rỗi, đặc biệt chỉ có hai con gái đã cố gắng sinh con thứ ba là một cậu quí tử và cậu bé này được chiều chuộng không kém gì thiên tử.
Hương - sinh viên Đại học sư phạm Hà Nội, năm nay 23 tuổi, sắp sửa đi làm mà em trai mới chỉ 3 tuổi, nói: “Nhiều khi không đồng ý với cách dạy em của bố mẹ, nhưng bố mẹ lúc nào cũng nói nó là con cầu (cầu tự), thầy bói nói không được đánh mắng, phải chiều chuộng, chăm sóc cẩn thận tới hết năm… 13 tuổi (!?)”. Nhiều gia đình quan niệm, để con lớn, mới dạy dỗ cho đỡ xót. Nhưng lớn là bao giờ? Trẻ con như một tờ giấy trắng, 3 năm đầu đời nó sẽ phải được dạy dỗ để làm quen với cuộc sống, tiếp nhận thói quen, hình thành nhân cách. Bước sang tuổi thứ 4, việc giáo dục trẻ khó hơn.
Lúc còn nhỏ, thấy khóc (mà càng khóc lớn) trẻ em càng được cha mẹ, người lớn cưng chiều. Những đứa trẻ này sẽ ra sao khi lớn lên, có lẽ nào không làm được bài toán, không vẽ được tranh đẹp bằng bạn bè, không thi đậu vào phổ thông, đại học, nó cũng sẽ khóc và mong có một ông bụt hiện lên như trong câu chuyện cổ tích ngày thơ bé?
Thúy Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét