Đi xuất khẩu lao động, tích luỹ kinh nghiệm và kiến thức về nước lập Cty tin học và đầu tư vào vườn - ao - chuồng (V.A.C), Mẫn Đức Giang - GĐ Cty TNHH Hậu Giang (Bắc Ninh) - được bạn bè gọi đùa là giám đốc của làng vì thành tích phát triển kinh tế, giúp thanh niên địa phương có việc làm, dù anh mới chỉ học hết cấp 3. Đầu tháng 8, anh đã T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của.
Mẫn Đức Giang với khu V.A.C của mình. |
Từ công nhân lên kỹ thuật viên
Năm 2002, sau khi xuất ngũ về quê nhà (thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh), chàng trai 23 tuổi Mẫn Đức Giang chọn xuất khẩu lao động để thoát nghèo. “Sang Maylaysia, nhờ biết chút tiếng Anh, tôi được phân công phụ trách 1 tổ nhỏ trong dây chuyền sản xuất vỏ nhựa cho thiết bị tin học của tập đoàn HP”. Công việc ổn định với cả đội sản xuất, nhưng Giang chưa dừng ở đây. Thắc mắc không hiểu tại sao các công nhân nước ngoài lại có thể tháo lắp, sử dụng thành thạo những chiếc máy vi tính hiện đại như vậy. Từ tò mò đến đam mê lúc nào không hay, Giang còn được sự động viên của kỹ sư Sufian, một người bạn Maylaysia. Anh dồn tiền lương mua 1 chiếc máy vi tính để tự học. “Sufian nhiệt tình dạy tôi hiểu về các phần cứng của máy vi tính. Thấy tôi thích thú và tiếp thu nhanh, Sufian xin với ban GĐ Cty cho tôi đi học khóa học 6 tháng về sửa chữa và lắp máy vi tính” - Giang nhớ lại.
Sau khóa học, Giang được chuyển sang công việc của kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng sản phẩm của Cty. Đây là quãng thời gian Giang nâng cao kiến thức về phần cứng và phần mềm của máy vi tính. Thời hạn làm việc kết thúc, khi chia tay người bạn Maylaysia tốt bụng, Giang nhớ lại: “Hành trang quý báu khi về nước không là tiền bạc mà là tình bạn quý mến, tác phong làm việc công nghiệp và kiến thức về nghề tin học”.
Hai tay - hai nghề
Cuối năm 2004, Giang về nước và mở cửa hàng sửa chữa vi tính tại quê nhà. Mới đầu chỉ sửa chữa lặt vặt, nhưng với sự nhiệt tình và phong cách làm việc chuyên nghiệp, cửa hàng của anh nhận được nhiều nguồn việc và tới năm 2006 nâng lên thành Cty TNHH Hậu Giang. Với dịch vụ lắp đặt và sửa chữa máy vi tính, Cty của Giang nhận lắp đặt và bảo dưỡng hệ thống máy vi tính cho nhiều trường THPT tại Yên Phong. “Với kinh nghiệm trải qua, tôi chủ trương đánh giá nhân viên theo năng lực, ai làm được việc thì giao tới đó, không nhất thiết về bằng cấp” - Giang cho biết. Tới nay, chàng giám đốc Cty mới chỉ tốt nghiệp THPT. Cty đang có 2 kỹ sư tin học, 2 kỹ thuật viên tin học. Với 12 lao động, Giang trả lương trung bình từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2009 và 2010, doanh thu đạt từ 2-3 tỉ đồng/năm.
Năm 2007, khi có chương trình dồn điền đổi thửa tại quê nhà, Giang mạnh dạn bàn với người bạn dồn tiền đầu tư 2 mẫu đất đê nuôi cá và làm chuồng trại nuôi gà, vịt. Anh giải thích: “Mới đầu, tôi phải giấu bố mẹ vì ngại bị phản đối do thiếu kiến thức làm nông nghiệp. Nhưng với đam mê đã lâu, tôi vừa học vừa làm. Cũng may tới nay công việc có kết quả tốt đẹp”. Mảng V.A.C của Giang đang phát triển, tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động. Anh cho biết, với mức lãi khoảng 200 triệu đồng/năm (từ năm 2009 tới nay), trang trại sẽ phát triển thêm dự án nuôi lợn mán và cá sấu vào năm 2012.
Giang tâm sự: “Làm việc trong môi trường nào, bạn trẻ cũng nên lưu ý tinh thần trách nhiệm, đã nhận việc cần thực hiện đến cùng. Giấu dốt là điểm yếu của nhiều bạn trẻ khi mới sang làm việc ở nước ngoài: Tiếng Anh chưa tốt, nghe chủ giao việc cứ gật đầu như biết rồi, nhưng kết quả không ra đâu cả”. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét