SEO Directories

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

KINH TẾ NHÀ NƯỚC

“Trong những năm tới, Nhà nước giảm dần tỉ trọng đầu tư từ NSNN và 
trái phiếu chính phủ, huy động nhiều hơn từ các thành phần ngoài nhà nước tham gia đầu tư, kể cả vào kết cấu hạ tầng. Trong tái cơ cấu đầu tư công, phần đầu tư từ ngân sách nhà nước sẽ giảm dần và chúng ta phải xây dựng nhiều cơ chế chính sách để thu hút kêu gọi đầu tư của lĩnh vực tư nhân nhiều hơn".
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh tại cuộc đối thoại trực tuyến trên cổng thông tin điện tử Chính phủ chiều 16.3.
Tư nhân sẽ chiếm 46% tỉ trọng đầu tư
Vào thời kỳ đổi mới, thành phần kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều về giá trị sản lượng và việc làm. Đầu tư của lĩnh vực tư nhân đã chiếm một tỉ trọng rất cao. Theo ông Vinh thì những năm gần đây, đầu tư công đang giảm dần và tư nhân tăng. Trong giai đoạn 2001 - 2005, tỉ trọng của đầu tư nhà nước chiếm 53,4% tổng đầu tư toàn xã hội, khối tư nhân chiếm 32,6%. Đến giai đoạn mới - 2011-2015, sẽ phấn đấu giảm tỉ trọng đầu tư công xuống 37 - 39%, khối tư nhân tăng lên 45 - 46%. “Có thể nói đây là một điều cần thiết, chúng tôi muốn dùng một từ là đầu tư công đang giảm, từng bước nhường sân cho lĩnh vực tư. Quả thật Nhà nước cũng cần làm như vậy.
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, trong tái cấu trúc đầu tư thì trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công. Theo đó, những gì mà lĩnh vực tư  nhân có thể đầu tư thì Nhà nước dành cho khối tư nhân. Trong những năm tới, Nhà nước giảm dần tỉ trọng đầu tư từ NSNN và trái phiếu chính phủ, huy động nhiều hơn từ các thành phần ngoài nhà nước tham gia đầu tư, kể cả vào kết cấu hạ tầng. Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Nhà nước sẽ tập trung vào ngành nghề mang tính chất dịch vụ công, các lĩnh vực tư nhân làm không hiệu quả, quốc phòng, an ninh, đầu tư cho vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Nhà nước có phần vốn hỗ trợ tư nhân thông qua các mô hình như đối tác công tư PPP” – ông Bùi Quang Vinh khẳng định.
Xoá cơ chế “xin – cho”
Trả lời câu hỏi của độc giả Đỗ Việt An – đường Nguyễn Sơn, Gia Lâm, Hà Nội - về việc liệu có xuất hiện “chạy ngân sách, chạy vốn đầu tư” ở Bộ KHĐT hay không? Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng vấn đề này là vấn đề mà tất cả các cấp, ngành liên quan đều phải quan tâm và có các biện pháp phòng ngừa hạn chế tiêu cực có thể xảy ra. “Tôi nghĩ rằng, không ai có thể nói rằng, ở bộ mình, cơ quan mình, ngành mình là hoàn toàn không có tiêu cực.  

Vấn đề đặt ra là phải kiên quyết, có biện pháp, cơ chế quản lý sao cho dù có muốn cũng không thể tiêu cực được” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định. Để giải quyết vấn đề này, ông Vinh cho rằng Bộ KHĐT ngay từ khi bước vào năm 2012, đã trình Chính phủ cơ chế mới làm sao giảm bớt “xin cho” - nguyên nhân dễ dẫn đến tiêu cực, đó là đề nghị Chính phủ cho công bố toàn bộ số vốn cho các địa phương, bộ, ngành trong năm, giao lại quyền phân bổ, lựa chọn cho chủ tịch UBND các tỉnh và bộ trưởng các bộ.
“Ngay trong năm nay, cũng trình Chính phủ xây dựng nghị định về đầu tư phát triển trung hạn, nghĩa là trung hạn 5 năm, trước mắt là 3 năm, 2013-2015, bộ sẽ trình Chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc tiêu chí phân bổ ngân sách, Chính phủ sẽ công bố ngân sách cấp cho 3 năm còn lại từ 2013-2015 cho các bộ, ngành, địa phương. Đây là cơ chế được các tổ chức quốc tế, bộ, ngành địa phương đánh giá cao. Tôi nghĩ đây là việc làm quan trọng để thay đổi tư duy, thay đổi cơ chế “xin cho” - ông Vinh cho biết.
Sân golf cũng không phải xấu
Tại cuộc đối thoại, vấn đề quy hoạch và dư thừa sân golf cũng đã được đặt ra. Tuy nhiên lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho  rằng sân golf không có lỗi gì cả, vì nếu bố trí đúng còn đem lại nhiều lợi ích. Ví dụ, sân golf biến khu vực đất hoang hóa thành cơ sở du lịch, giải quyết việc làm... là điều rất tốt. Tuy nhiên, việc lấy đất sản xuất nông nghiệp, đất lúa, đất rừng làm sân golf là chuyện không thể chấp nhận được.
    Chí Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét