SEO Directories

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Ở Việt Nam bị phá hợp đồng lại còn bị hành


Vụ việc Vinashin đổ bể từ những năm trước đã kéo theo hệ quả hết sức tồi tệ cho nền kinh tế đất nước. Không chỉ có vậy, một số đơn vị thành viên của Vinashin cũng giẫm theo vết xe đổ của Cty mẹ đã làm cho các đối tác của họ khốn đốn.


Thương vụ  Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Cái Lân mua 20 xe ôtô của Cty CP Phương Trinh là một ví dụ.
Từ hợp đồng kinh tế

Vụ việc xuất phát từ ngày 14.10.2007, Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân đã ký hợp đồng số 224 mua của Cty CP Phương Trinh 20 ôtô tải tự đổ nhãn hiệu CNHTC loại HOWO mới 100% sản xuất năm 2007, giao hàng tại TP.Móng Cái. Tổng giá trị hợp đồng là 15,1 tỉ đồng. Hai bên thoả thuận mọi tranh chấp phát sinh đều được giải quyết tại tòa án kinh tế TP.Hà Nội.
Đoàn cán bộ Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân đi nghiệm thu lô xe tại nhà máy ôtô Trung Quốc.
Đoàn cán bộ Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân đi nghiệm thu lô xe tại nhà máy ôtô Trung Quốc.
Sau khi Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân đặt cọc 25% giá trị hợp đồng theo thoả thuận (3,7 tỉ đồng), Cty CP Phương Trinh đã tiến hành đặt hàng nhà máy sản xuất ôtô  của Trung Quốc 20 ôtô theo đúng thông số kỹ thuật đã ký với Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân. Cuối tháng 3.2008, nhà máy sản xuất CNHTC (thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc) thông báo đã sản xuất xong 20 xe. Theo hợp đồng, 3 đại diện Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân đã sang kiểm tra và nghiệm thu xe tại nhà máy bên Trung Quốc. Sau khi bên mua đã chấp nhận hàng hóa, Cty CP Phương Trinh đã  tiến hành nhập xe về Việt Nam. Ngày 18.4.2008, Cty CP Phương Trinh đã tiến hành nhập 20 xe về Việt Nam và đã được thông quan theo tờ khai hải quan số 1538 và cũng đồng thời được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp đăng kiểm.

Khi lô hàng về đến Móng Cái (nơi nhận hàng của bên mua theo hợp đồng), Cty CP Phương Trinh đã nhiều lần gửi công văn, gọi điện tới Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân  đề nghị đến nhận xe và thanh toán nốt tiền theo hợp đồng. Tuy nhiên, Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân liên tục khất nhiều lần không đến nhận xe và không thanh toán tiền. Quá hạn chót nhận xe theo hợp đồng (19.5.2008), bên mua vẫn không đến nhận xe và thanh lý hợp đồng dù bên bán đã nhiều lần nỗ lực liên hệ nhưng không thành.

Việc Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân đơn phương huỷ hợp đồng đã khiến Cty CP Phương Trinh tổn thất lớn do phải trả lãi vay ngân hàng quá hạn, trả nhiều kinh phí lưu kho bãi, bảo hiểm, không tiếp tục kinh doanh được do bị nợ ngân hàng loại 2 và mất nhiều cơ hội kinh doanh do không mở được thư tín dụng nhập hàng.

Để giải quyết hậu quả này, Cty CP Phương Trinh buộc phải bán lỗ lô hàng ế nói trên để xử lý hậu quả, nhưng mãi hơn 1 năm sau mới bán được lô hàng bởi những thông số kỹ thuật do Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân đặt ra  không phù hợp cho mọi khách hàng.

Cơ quan công an có làm sai chức trách?

Vụ việc lẽ ra chẳng có gì phải nói nếu như từ cuối năm 2011 đến đầu 2012, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Quảng Ninh - đã liên tục có yêu cầu Cty CP Phương Trinh đến làm việc. Theo ông Vũ Tấn Công - GĐ Cty CP Phương Trinh - trình bày với Báo Lao Động thì tất cả những lần ông bị các điều tra viên Công an Quảng Ninh gọi lên chỉ với một yêu cầu duy nhất là yêu cầu Cty CP Phương Trinh trả lại tiền đặt cọc. “Một cán bộ điều tra còn nói với tôi rằng nếu tôi không trả lại khoản tiền này tôi sẽ bị khởi tố. Việc này khiến tôi rất hoang mang” – ông Vũ Tấn Công trình bày.

Điều hiển nhiên có thể thấy đây là vụ việc dân sự. Hai bên đã có thoả thuận giải quyết tranh chấp tại tòa án. Vì vậy, việc mời gọi một doanh nghiệp lên để làm việc khi không có dấu hiệu tội phạm là việc không bình thường của Cơ quan An ninh điều tra Công an Quảng Ninh, bởi cơ quan công an không có quyền can thiệp vào các quan hệ dân sự của họ. Nếu Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân cho rằng mình bị thiệt hại thì có quyền khởi kiện Cty CP Phương Trinh ra tòa đòi lại số tiền. Tuy nhiên có lẽ do biết rõ nếu kiện ra tòa thì Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân sẽ thua kiện bởi người gây ra lỗi là Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân và người thiệt hại chính là Cty CP Phương Trinh. Theo Luật Thương mại, Luật Dân sự thì do Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân gây ra lỗi không những mất tiền đặt cọc mà còn phải bồi thường thiệt hại ít nhất 8% giá trị hợp đồng cho Cty CP Phương Trinh.
Chí Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét